Tiểu sử Tống Nhược Chiêu

Tống Nhược Chiêu sinh vào năm Thượng Nguyên thứ 2 (761) triều Đường Túc Tông, quê ở huyện Thanh Dương, thuộc Bối Châu (贝州; này là phía Đông của huyện Thanh Hà, thành phố Hình Đài, Hà Bắc), cha bà là Tống Đình Phân (宋庭芬), nổi tiếng là một nhà Nho sĩ trứ danh. Trong nhà bà còn 1 em trai Tống Tắc (宋稷)[1] và 4 người chị em khác: Tống Nhược Sân, Tống Nhược Luân, Tống Nhược HiếnTống Nhược Tân, đều được gia phụ dạy dỗ mà rất có tài hoa về thi thư. Các chị em bà đều chuộng thi phú và học thức, nguyện dùng tài hoa văn chương bồi dưỡng cha mẹ mà không gả cho ai khác. Tống Nhược Chiêu từng cùng chị gái Tống Nhược Sân là tài hoa hơn cả, không hay dùng trang sức quý báu, mà trọng kiến thức, vật dụng đều đạm bạc. Hai người cùng nhau viết cuốn Nữ luận ngữ gồm 10 thiên, đều dùng được cho đời[2].

Năm Trinh Nguyên thứ 4 (788), Tiết độ sứ của Chiêu Nghĩa là Lý Bảo Chân tiến cử năm chị em nhà Tống Nhược Chiêu vào triều. Thế là Nhược Chiêu cùng các chị em của mình được Đường Đức Tông khảo qua thi phú, cũng khảo sát kinh sử đại nghĩa, nhận ra thực học văn tài, nên được Đức Tông tán thưởng. Năm chị em họ Tống văn hay chữ tốt, thường cùng bồi giá Đức Tông họa thi thơ, danh tiếng nức trời. Đức Tông kính trọng, không đối xử như Thứ phi hay Cung nữ, mà gọi họ là Học sĩ (学士). Tống Đình Phân nhờ các con gái mà được làm quan, Nhiêu Châu Tư mã ở Tập Nghệ quán, bổng lộc đều đặc cách hơn người khác[3][4].

Năm cuối Nguyên Hòa (820), Tống Nhược Sân qua đời, Đường Mục Tông sai Tống Nhược Chiêu tiếp quản kí chú, bộ tịch trong cung, phong làm Ngoại thượng thư, sau đó lại làm lễ bái Tống thị làm Thượng cung (尚宫), theo quan chế là hàm Chính ngũ phẩm. Trong 5 chị em họ Tống, Tống Nhược Chiêu là người thông minh và khéo ứng xử nhất, qua liên tiếp các đời Hiến Tông, Mục Tông, Kính Tông; bà đều được cả ba vị Hoàng đế tôn trọng, xưng gọi ["Tiên sinh"; 先生]. Hậu cung tần phi và hoàng tử công chúa đều dùng lễ bái kiến bà. Để nâng cao địa vị cho bà, Mục Tông tiến phong bà làm Nhất phẩm Lương Quốc phu nhân (梁國夫人).

Năm Đại Hòa thứ 2 (828), ngày 11 tháng 7 (tức ngày 10 tháng 9 dương lịch), Tống Nhược Chiêu qua đời tại Đại Minh cung. Linh cữu tạm quàng tại Vĩnh Mục đạo quán. Năm ấy, ngày 8 tháng 11 (âm lịch), bà được an táng tại huyện Vạn Niên[5]. Thân phận cao quý, triều đình đặc biệt làm lễ tang long trọng, cử em trai Tống Tắc làm chủ tang.